Lái xe trên những đoạn đường trơn trượt, thời tiết xấu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như mất lái, dễ bị va chạm,…Vì vậy, các bạn cần trang bị những kỹ năng lái xe đường trơn trượt cơ bản để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người di chuyển xung quanh.
Hãy giữ cho xe không bị trượt
Tại Việt Nam bạn có thể thường xuyên phải di chuyển qua các con đường trơn trượt hay nhiều nước. Bởi thời tiết đặc trưng của nước ta là nóng ẩm mưa nhiều. Lái xe đường trơn trượt và thời tiết xấu luôn xuất hiện nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Do đó, “bỏ túi” những kỹ năng lái xe trên đường trơn là điều vô cùng cần thiết dành cho mỗi bác tài.
Luôn giữ tâm lý bình tĩnh
Tâm lý luôn là một yếu tố quan trọng khi bạn di chuyển xe ô tô nói chung và di chuyển trên những con đường trơn trượt nói riêng. Khi vận hành xe trên những con đường xấu, trơn, nhiều nước sẽ có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra mà người lái khó làm chủ.
Khi đó, nếu bạn bị mất bình tĩnh thì dẫn tới điều khiển xe lúng túng và có thể bạn sẽ bị mất kiểm soát. Điều này dễ gây nguy hiểm không chỉ cho bạn mà cả những người ngồi trên xe và những người tham gia giao thông. Vì vậy, hãy luôn thật bình tĩnh để xử lý tình huống chính xác các bác tài nhé!
Chủ động giảm tốc độ & giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác
Khi thời tiết xấu, mưa nhiều thì tầm nhìn sẽ bị hạn chế. Đồng thời, đường trơn cũng làm cho hiệu quả phanh giảm xuống. Vì vậy, bạn hãy chủ động giảm tốc độ xuống tối thiểu là 20% trên những cung đường quen và giảm tối đa trên những cung đường lạ tại giao lộ hoặc khúc cua,… Điều này sẽ giúp bạn quan sát tốt hơn và dễ xử lý, không bị phanh gấp khi gặp tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, việc giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác cũng rất quan trọng khi lái xe. Nó giúp bạn có một khoảng trống để giúp xe phanh từ từ khi xe trên bất ngờ phanh gấp. Khoảng cách được coi là an toàn giữa các xe khi lái xe trên đường trơn là 30m.
Chọn chế độ lái phù hợp
Hiện nay, một số dòng xe hiện đại đã trang bị các chế độ lái như: lái xe đường trơn, đường cát, đường tuyết,…Khi bạn sở hữu dòng xe có chức năng này thì nên lựa chọn chế độ lái phù hợp để được hệ thống hỗ trợ di chuyển thuận lợi và an toàn hơn.
Đi theo vệt lốp của xe phía trước
Theo kinh nghiệm của nhiều bác tài lâu năm, nếu lái xe trên đường trơn thì đi theo vệt lốp của bánh xe đi trước là một lựa chọn khôn ngoan. Bởi những vệt bánh của xe trước đã “dọn đường” và định hướng giúp bạn đường đi. Ngoài ra, phần đường tại các vệt lốp đó đã hạn chế được độ kết dính giữa nước mưa và bụi bẩn, đất cát trên mặt đường. Do đó, phần đường ấy bớt trơn trượt hơn.
Hạn chế phanh gấp
Phanh gấp khi di chuyển xe trên đường trơn trượt sẽ rất nguy hiểm, có thể khiến xe bị trượt, mất lái. Vì vậy, bạn chỉ nên phanh gấp xe khi thật cần thiết để tránh những sự cố gây mất an toàn. Để làm được điều này thì bạn cần bình tĩnh, tập trung khi lái xe, thực hiện các thao tác vận hành nhẹ nhàng, mượt mà và điều chỉnh khoảng cách phù hợp với các phương tiện khác.
Không nên đánh lái đột ngột
Đánh lái đột ngột hay đánh lái khi bị mất lái là sai lầm mà người bác tài mắc phải khi di chuyển trên đường trơn trượt. Bởi thao tác này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho mình và người di chuyển xung quanh. Điều cần làm lúc này là bình tĩnh, giữ chặt tay lái, thả chân ga và rà phanh từ từ cho tới khi xe dừng.
Khi xe bị trượt mà xe không có tính năng khóa phanh thì tránh sử dụng phanh, nếu xe có phanh ABS thì cần phanh thật chắc để đi qua những đoạn đường trơn. Cùng lúc đó là nhẹ nhàng nhả ga rồi cẩn thận điều hướng xe theo ý muốn.
Giữ chặt vô lăng
Di chuyển trên những đoạn đường trơn, nhiều vũng nước sâu các bác tài luôn có cảm giác như xe bị giật ngược lại, gây hốt hoảng. Khi đó, bác tài chỉ cần bình tĩnh, giữ chặt vô lăng và tiếp tục di chuyển xe với hành trình của mình.
Luôn đặt tay trên vô lăng ở vị trí 9 và 3 giờ
Theo các chuyên gia nghiên cứu về an toàn khi lái xe thì tay đặt trên vô lăng ở vị trí 9 và 3 giờ (nếu tưởng tượng vô lăng như 1 chiếc đồng hồ) là lý tưởng nhất. Tay đặt vị trí này giúp bạn kiểm soát bánh xe và xử lý tình huống tốt hơn khi lái xe trên đường trơn trượt.
Nếu để tay ở vị trí thấp, bạn sẽ bị hạn chế đánh tay lái quá trớn, có thể khiến xe bị trượt dài và lật khi gặp tình huống bất ngờ. Ngoài ra, nếu sử dụng loại xe vô lăng có thiết kế túi hơi, việc đặt tay trên vô lăng ở vị trí 9 và 3 giờ còn giúp bạn giảm thương tích khi túi hơi bị bung ra.
Mở bán kính lớn khi vào cua
Khi lái xe đường trơn trượt thì thời điểm vào cua cần được xử lý chính xác để đảm bảo an toàn. Và mở bán kính lớn khi vào cua là điều cần thiết. Bởi nếu góc cua quá hẹp thì xe ô tô dễ bị trượt bánh sau gây nguy hiểm khi lưu thông. Vì vậy, nếu cần vào cua trên những đoạn đường trên thì các bác tài hãy mở một góc lớn để cua xe “ngọt” hơn nhé!
Chạy giữa tim đường
Thông thường trên các đoạn đường thì phần tim đường cao hơn 2 bên. Do đó, nếu trời mưa hoặc đường có bùn đất thì chúng thường có xu hướng trôi về 2 bên rìa. Vì vậy, chọn phần tim đường để đi sẽ giúp các bác tài hạn chế bị nước ngập sâu bánh hoặc bùn đất dính khiến xe bị trơn trượt nhiều hơn.
Phải làm gì khi xe bị trượt
Sau đây là những việc làm mà các bác tài cần phải thực hiện khi lái xe trên đường trơn trượt để đảm bảo an toàn.
Hãy giữ bình tĩnh
Tâm lý khi lái xe qua những đoạn đường trơn là rất quan trọng. Trước tiên bạn cần giữ bình tĩnh, không nên hoảng hốt. Bởi nếu bị mất bình tĩnh có thể bạn sẽ có những phản ứng quá mức như: phanh gấp, bẻ lái đột ngột,…Điều này sẽ làm xe của bạn bị mất kiểm soát và gây nguy hiểm.
Nhẹ nhàng đánh lái cho xe đi đúng hướng
Khi đã có được bình tĩnh thì bạn cần nhả chân ga, nhẹ nhàng đánh lái. Nếu xe của bạn trượt về phía trước thì cần giữ tay lái thẳng. Còn nếu xe trượt khi bạn đang vào khúc cua thì nhẹ nhàng bẻ tay lái để đầu xe đi về hướng bạn muốn.
Phanh nhẹ nếu xe bị trượt nhiều
Nếu xe của bạn bị trượt nhiều thì hãy đặt chân lên phanh ABS (nếu có) và đừng rời chân khỏi phanh cho đến khi hệ thống ABS hoạt động. Nó sẽ giúp ngắt phanh ô tô của bạn.
Trong trường hợp xe của bạn không có ABS thì hãy sử dụng phương pháp gót chân. Khi đó, gót chân của bạn giữ trên sàn, còn ngón chân sẽ để nhẹ nhàng bơm phanh khi xe bị trượt.
Đồng thời, giữ vững tay lái theo hướng bạn muốn đi. Nếu phanh bị bó cứng thì bạn nên giảm áp lực lên phanh và lặp lại phương pháp gót chân cho đến khi xe dừng chuyển động.
Những lưu ý quan trọng khi thường xuyên lái xe trên mặt đường trơn trượt
Những lưu ý quan trọng sau sẽ giúp bạn lái xe an toàn khi thường xuyên di chuyển trên mặt đường trơn trượt.
Bảo dưỡng định kỳ
Việc bảo dưỡng xe ô tô định kỳ giúp xe có được trạng thái lý tưởng nhất mỗi khi di chuyển. Đồng thời, việc bảo dưỡng còn giúp phát hiện sớm các hư hỏng của xe để xử lý kịp thời. Hạn chế được những sự cố phát sinh có thể gây nguy hiểm trong quá trình vận hành xe.
Kiểm tra lốp
Lốp là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Vì vậy, chất lượng lốp quyết định rất lớn tới sự an toàn, êm ái khi lái xe, đặc biệt là trên những con đường trơn trượt.
Do đó, để giảm nguy cơ văng trượt xe, bạn cần thường xuyên kiểm tra lốp.
Nhằm đảm bảo an toàn thì lốp luôn phải đủ áp suất để duy trì sự tiếp xúc giữa mặt đường và lốp tốt hơn. Đồng thời, mặt gai lốp cũng cần phải đảm bảo và thực hiện thay thế lốp nếu thấy hư hỏng hoặc xuống cấp. Đặc biệt, nếu lốp đã mòn quá vạch chỉ dẫn thì nên thay thế sớm. Trong một số trường hợp có thể hạ áp suất lốp để bám đường tốt hơn.
Nếu thường xuyên di chuyển trên các con đường trơn trượt do băng tuyết thì bạn nên sử dụng lốp mùa đông để đảm bảo an toàn. Lốp mùa đông sử dụng loại cao su mềm dẻo, dễ bám đường khi trời lạnh. Bên cạnh đó, số lượng rãnh lốp nhiều, rãnh sâu và nhỏ hơn so với lốp mùa hè nên lốp mùa đông tiếp xúc đường tốt. Vì vậy, lốp mùa đông là sự lựa chọn hoàn hảo khi bạn thường xuyên phải lái xe trên mặt đường trơn trượt, nhiều băng tuyết.
Video so sánh sự khác biệt giữa lốp mùa đông và mùa hè
Kiểm tra hệ thống phanh
Hệ thống phanh góp phần quan trọng tới sự an toàn khi bạn di chuyển, đặc biệt là lái xe trên đường trơn trượt. Vì vậy bạn cần giữ thói quen kiểm tra hệ thống phanh thường xuyên. Bạn cần kiểm tra đèn báo ABS, nghe tiếng phanh, kiểm tra má phanh, đĩa phanh, dầu phanh để nhanh chóng phát hiện hỏng hóc và xử lý kịp thời.
Kiểm tra hệ thống đèn
Hệ thống đèn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi lái xe vào những thời điểm mưa to hoặc trời tối. Nó giúp bạn quan sát đường, xe lưu thông xung quanh tốt hơn. Mặt khác nó còn giúp “thông báo” sự hiện diện chiếc xe của bạn với người và phương tiện xung quanh để việc lưu thông được đảm bảo và an toàn. Vì vậy, các bạn đừng quên kiểm tra hệ thống đèn thường xuyên để chắc chắn các đèn trên xe đều hoạt động tốt.
Đảm bảo tầm nhìn tốt
Khi thời tiết xấu, tầm nhìn của bạn sẽ bị hạn chế. Để có được tầm nhìn tốt thì bạn cần giữ kính chắn gió và gương chiếu hậu sạch sẽ nhằm thuận tiện quan sát xung quanh.
Bạn cần kiểm tra cần gạt nước, thay thế khi đã bị hư hỏng. Điều này giúp cần gạt nước hoạt động tốt khi trời mưa và bạn sẽ quan sát đường phía trước tốt hơn. Có thể sử dụng chế độ sấy gương (nếu có) để hạn chế gương bị mờ do hơi nước làm ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Với những kỹ năng lái xe đường trơn trượt và những lưu ý cần thiết trên hy vọng sẽ giúp các bác tài di chuyển an toàn hơn khi gặp thời tiết xấu. Chúc các bạn luôn có những hành trình di chuyển thật thoải mái và chinh phục mọi cung đường thuận lợi.