Bảo dưỡng thước lái ô tô là việc làm quan trọng để việc điều khiển thước lái và kiểm soát hướng đi được dễ dàng. Nếu gặp phải 8 dấu hiệu sau hãy đi bảo dưỡng thước lái ô tô ngay để có những chuyến đi thật an toàn và thú vị cùng “xế yêu”.
Tìm hiểu về thước lái ô tô
Hệ thống lái là một trong 7 hệ thống chủ chốt của ô tô. Nó có nhiệm vụ điều khiển ô tô chuyển động theo hướng và quỹ đạo mong muốn của các bác tài. Và thước lái là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chủ chốt này.
Thước lái đóng vai trò bẻ lái nhằm điều chỉnh 2 bánh trước của xe. Từ đó, giúp xe ô tô vận hành theo đúng sự điều khiển của lái xe thông qua vô lăng. Cấu tạo của thước lái ô tô thường gồm những bộ phận sau:
- Khớp các đăng: Giữ vai trò chuyển hướng quay cho các thanh nối trục vô lăng.
- Trục xoay vô lăng: Là các đoạn nhỏ nối với nhau bởi khớp các đăng.
- Thanh răng: Là phần được đặt trong hệ thống ray trượt tịnh tiến.
- Tay đòn: Làm nhiệm vụ truyền chuyển động từ thanh ray lên khớp bẻ lái.
- Khớp bẻ lái: Giúp tay đòn từ thước lái liên kết với bánh xe và tạo lực quay lên bánh xe để di chuyển theo hướng mong muốn.
Các dấu hiệu cảnh báo thước lái cần được kiểm tra, sửa chữa
Giữ vai trò quan trọng trong hệ thống lái, thước lái ô tô cần phải được thường xuyên kiểm tra, sửa chữa. Đặc biệt khi có những dấu hiệu sau thì phải bảo dưỡng thước lái để đảm bảo an toàn khi di chuyển.
Vô lăng có cảm giác nặng hơn khi đánh lái
Đây là hiện tượng mà bác tài có cảm giác phải sử dụng nhiều sức hơn để đánh lái xe. Trường hợp này có thể gây nguy hiểm trong thời điểm xe cộ đông đúc hoặc có sự cố bất ngờ.
Nguyên nhân
- Do dầu trợ lực bị thiếu
- Do bơm trợ lực lái bị mòn cánh, hở đường dầu hoặc bề mặt bơm bị xước.
Cách kiểm tra
- Bác tài xem bảng hiển thị dầu trợ lực nếu trong khoảng min-max thì bác tài có thể yên tâm là không phải do nguyên nhân này. Và kiểm tra tới bơm trợ lực lái để thấy những bất thường.
Cách khắc phục
- Nếu dầu trợ lực hết thì đến gara gần nhất để bơm dầu giúp hệ thống lái hoạt động tốt hơn.
- Tới các trung tâm bảo dưỡng để được kiểm tra và có thể phải thay cánh bơm trợ lực hoặc gia công lại bề mặt bơm, thay ống dẫn dầu.
Xe có xu hướng đi lệch sang một bên
Là hiện tượng xe không đạt được độ cân bằng và có xu hướng đi lệch sang một phía. Đồng thời, các bác tài cũng phải mất nhiều lực hơn để giữ sự cân bằng và điều chỉnh xe. Gây nên sự mệt mỏi cho các bác tài đi đường dài và rất nguy hiểm khi di chuyển trên cao tốc hoặc đi vào buổi tối.
Nguyên nhân
- Do góc đặt bánh xe không chính xác.
- Do lốp xe bị mòn không đều, thước lái bị lệch, độ chụm bánh xe không chuẩn,… nên xe có xu hướng đi lệch sang một bên.
Cách kiểm tra
Khi bác tài thấy việc cân bằng xe khó khăn, xe có xu hướng đi lệch thì cần kiểm tra hoạt động của thước lái, bánh xe để phát hiện những bất thường.
Khắc phục
Cách xử lý phổ biến là cân chỉnh thước lái ô tô. Đây là kỹ thuật cân chỉnh để các góc đặt bánh xe được chính xác, đúng chuẩn. Có 2 phương pháp cân chỉnh là thủ công và bằng máy chuyên dụng. Cân chỉnh thước lái ô tô bằng máy giúp thực hiện nhanh và độ chính xác cao hơn. Do đó, khi gặp hiện tượng này các bác tài cần đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng uy tín để được kiểm tra tổng thể và khắc phục hiệu quả nhất.
Hiện tượng lốp mòn không đều
Là một bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, chịu nhiều tác động của trọng lực xe, ma sát,…nên khiến cho lốp bị mòn theo thời gian. Nếu lốp bị mòn đầu thì là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, khi lốp bị mòn không đều thì có thể là do sự sai lệch của việc lắp đặt lốp và các bộ phận liên kết với lốp như: hệ thống treo, hệ thống lái, thước lái,…
Nguyên nhân
Với mỗi hiện tượng mòn lốp sẽ ứng với nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
- Lốp bị mòn mép trong: Thường do độ chụm của bánh xe được cân chỉnh không chính xác.
- Lốp bị mòn 1 bên: Nguyên nhân có thể do góc camber bị sai lệch.
- Lốp bị mòn chéo: Do lắp đặt bị sai góc chụm hoặc xe thường xuyên chở nặng và không được đảo lốp định kỳ.
Cách kiểm tra
Việc lốp bị mòn không đều có thể dễ dàng kiểm tra bằng mắt thường.
Khắc phục
Khi phát hiện ra những bất thường về lốp bị mòn, các bác tài nên đưa xe ô tô đến những trung tâm dịch vụ uy tín để được kiểm tra bằng các dụng cụ chuyên nghiệp. Qua đó, bánh xe sẽ được căn chỉnh chính xác và được bảo dưỡng, thay thế nếu cần.
Vô lăng bị lệch
Vô lăng bị lệch là hiện tượng khi tài xế không tác động tới vô lăng nhưng nó vẫn tự xoay nhẹ sang một bên nào đó. Để điều khiển xe đúng ý các bác tài thường phải ghì chặt vô lăng gây ra nhiều khó chịu, thậm chí gây nguy hiểm cho những người trong ô tô.
Nguyên nhân của tình trạng vô lăng bị lệch
- Xe bị va chạm mạnh: Khi xảy ra những va chạm mạnh có thể làm cho rotuyn bị lệch và khiến vô lăng cũng lệch theo.
- Lốp xe không được cân đều: Do lốp xe bị mòn không đều, khiến cho trọng lượng xe không được cân bằng và làm vô lăng bị lệch.
- Thước lái bị rơ và trục lái của xe gặp trục trặc
Cách kiểm tra
Các bác tài thực hiện kiểm tra lốp xe, trụ lái, thước lái để thấy được những bất thường.
Khắc phục
Để xử lý hiện tượng vô lăng bị lệch các bác tài có thể tự thực hiện, nhưng cần đảm bảo có am hiểu về kỹ thuật. Bởi nếu không hiểu biết về kỹ thuật có thể khiến “bệnh tình” của vô lăng trở nên nặng hơn. Và phương pháp an toàn, khắc phục tình trạng vô lăng bị lệch triệt để nhất là tới các trung tâm uy tín để ô tô của bạn được thăm khám và “chữa bệnh” tốt nhất.
Vô lăng bị rung
Khi vô lăng bị rung lắc sẽ gây nên sự khó chịu khi điều khiển xe. Nếu gặp phải tình huống này các bác tài cần phải đi khắc phục sớm để tránh gây hao mòn tới các bộ phận khác của xe.
Nguyên nhân
- Lốp xe không được đặt chuẩn: Điều này khiến xe không được cân bằng và ổn định dẫn tới vô lăng bị rung.
- Bánh xe không cân bằng: Do lốp xe bị hư hỏng dẫn tới sự mất cân bằng của các bánh xe và gây nên sự rung lắc quá mức tới vô lăng.
- Hệ thống treo: Do sự ăn mòn, kết nối lỏng lẻo của hệ thống treo hoặc sự mất cân bằng của trục lái.
- Hệ thống phanh: Do đĩa phanh xấu, kết nối không chắc chắn, má phanh bị mòn.
Cách kiểm tra
Các bác tài cần kiểm tra nhiều bộ phận của xe như: các lốp xe, hệ thống phanh, hệ thống treo, chân máy cao su,…
Khắc phục
Rung lắc vô lăng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, để khắc phục tình trạng này tối ưu nhất các bác tài nên đưa xe tới những trung tâm bảo dưỡng. Tại đó, “xế yêu” của bạn sẽ được kiểm tra tổng thể và xử lý “đúng bệnh”.
Tay lái trả chậm
Tay lái trả chậm sẽ gây nên những khó khăn nhất định khi các bác tài điều khiển xe.
Nguyên nhân
- Do bơm trợ lực: Bộ phận này hoạt động kém do áp suất và lưu lượng dầu qua bơm giảm, gây nên hiện tượng thước lái dịch chuyển chậm.
- Thước lái: Khi thước lái bị hở séc măng bao kín làm cho dầu lọt qua khoang.
- Thanh dẫn động cơ: Nếu thanh dẫn động cơ bị khô, mòn khiến cho lực ma sát tăng làm cho việc trả lái bị ảnh hưởng.
Cách kiểm tra
Các bác tài kiểm tra từng bộ phận như: bơm trợ lực, thước lái, lượng dầu qua bơm,..
Khắc phục
Nên đưa xe tới các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra chi tiết và tiến hành bôi mỡ bôi trơn vào từng khớp bị khô hoặc sửa chữa/thay thế những khớp bị hỏng hay thay séc măng bao kín của thước lái (nếu cần).
Tiếng kêu lạ khi đánh lái
Đó là những tiếng kêu lạch cạch, re re,… khi các bác tài vào cua hay xoay chuyển vô lăng.
Nguyên nhân
- Thước lái bị hỏng: Khi thước lái bị mòn các bộ phận khác sẽ trở nên lỏng lẻo và phát ra tiếng kêu lúc đánh lái.
- Dầu trợ lực/ bơm trợ lực: Nếu dầu trợ lực xuống mức thấp hoặc bơm trợ lực hoạt động kém sẽ phát ra tiếng kêu re re.
- Bạc lái bị mòn/rơ: Nếu bạc lái có hiện tượng này thì khi đánh lái sẽ có tiếng kêu lục khục dưới gầm.
Kiểm tra
Các bạn nên kiểm tra bình chứa dầu, hoạt động của thước lái, bạc lái,…
Khắc phục
Nếu dầu trợ lực gần hết thì bơm dầu thêm. Sau khi xử lý vẫn không thấy hiện tượng được cải thiện thì nên tới trung tâm bảo dưỡng để sửa chữa, thay thế kịp thời.
Dầu trợ lực bị rò rỉ
Dầu trợ lực bị rò rỉ là hiện tượng khá phổ biến với hệ thống lái trợ lực thủy lực.
Nguyên nhân
- Phớt thước lái: Sau một thời gian sử dụng, phớt thước lái sẽ bị chảy dầu do tuổi thọ thấp.
- Chụp bụi lái bị rách: Khiến cho nước, bụi xâm nhập làm hỏng phớt thước lái.
- Đai siết 2 đầu thước lái: Khi đai siết không chặt sẽ làm hỏng phớt và gây rò rỉ dầu trợ lực.
Kiểm tra
Tiến hành kiểm tra toàn bộ cấu tạo của thước lái ô tô để tìm ra nguyên nhân.
Khắc phục
Nên đưa xe tới trung tâm bảo dưỡng ô tô để kiểm tra và xử lý kịp thời.
Khi nào cần phải thay mới thước lái
Một số trường hợp chỉ cần phục hồi thước lái đã giúp khắc phục được tình trạng khó chịu và mất an toàn khi điều khiển xe. Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây thì cần phải thay thế thước lái để “điều trị dứt điểm”.
- Mô tơ liền thước lái bị hỏng
- Vỡ thước lái
- Thanh răng thước lái quá mòn,…
Chi phí thay thế thước lái cũng khá “chát” khi xe đã hết bảo hành. Còn công bảo dưỡng thì tùy thuộc vào dòng xe và có mức giá dao động từ 400.000 – 600.000 VNĐ.
[popup_anything id=”9817″]
Bí kíp để giữ hệ thống lái bạn luôn ở trạng thái ổn định và an toàn
Để giữ hệ thống lái ở trạng thái ổn định và an toàn, các bác tài cần “bỏ túi” những bí kíp sau:
Bảo dưỡng đúng định kỳ
Bảo dưỡng đúng định kỳ là một việc quan trọng để chăm sóc “xế yêu” chu đáo và mang lại những chuyến đi thật thoải mái, an toàn. Khi bảo dưỡng xe ô tô của bạn sẽ được kiểm tra, rà soát toàn bộ các bộ phận, trong đó có thước lái để phát hiện những sự cố, hỏng hóc và khắc phục kịp thời.
[irp posts=”3404″ name=”Chi tiết Các hạng mục bảo dưỡng xe ô tô định kỳ các cấp”]
Kiểm tra mức dầu trợ lực lái định kỳ đối với thước lái dầu
Dầu trợ lực rất cần thiết cho hoạt động của toàn bộ hệ thống. Máy bơm có nhiệm vụ tạo ra áp suất để dầu đẩy áp suất đó lên piston. Hầu hết các vấn đề vờ trợ lực lái đều do nguyên nhân dầu rò rỉ hoặc mức dầu thấp. Vì vậy, kiểm tra mức dầu trợ lực lái định kỳ đối với thước lái dầu là việc làm quan trọng để đảm bảo hoạt động của hệ thống điều khiển xe ô tô. Các chủ xe có thể kết hợp kiểm tra mức dầu trợ lái cùng thời điểm khi thay dầu cũng là một gợi ý hay ho.
Kiểm tra ống cao áp và ống áp suất thấp
Chất lỏng trợ lực lái được vận chuyển qua 2 ống: ống áp suất cao cung cấp chất lỏng và ống áp suất thấp để cung cấp chất lỏng trở lại thùng chứa. Nếu xảy ra rò rỉ tại một trong 2 ống này sẽ ảnh hưởng xấu tới thước lái ô tô và hệ thống điều khiển xe. Do đó, cần kiểm tra định kỳ ống áp suất cao và ống áp suất thấp để đảm bảo chúng không cọ xát vào nhau và lớp phủ còn nguyên vẹn.
Kiểm tra, cân chỉnh thước lái định kỳ 6 tháng/lần
Thước lái là một bộ phận quan trọng của hệ thống lái. Vì vậy, kiểm tra, cân chỉnh, sửa thước lái định kỳ 6 tháng/ lần sẽ giúp phát hiện kịp thời những hỏng hóc, sự cố xảy ra. Để kịp thời xử lý nhằm khắc phục nhanh, ít chi phí và góp phần mang lại những hành trình di chuyển thật an toàn.
Như vậy, khi xe gặp các hiện tượng trên, các bạn nên nhanh chóng bảo dưỡng thước lái ô tô để việc điều khiển xe được dễ dàng, thoải mái và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho những chuyến đi. Để thực hiện công việc này các bạn nên đến những trung tâm bảo dưỡng uy tín như ATOM Premium Auto Services giúp chăm sóc thước lái ô tô nói riêng và “xế yêu” nói chung tỉ mỉ và chu đáo nhất.