Góc tư vấn

Bảo dưỡng ô tô: Các mốc quan trọng & 3 “Nguyên tắc” cần nhớ

Đối với mỗi chiếc xe ô tô việc bảo dưỡng sau một thời gian vận hành là việc hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này không chỉ giúp chiếc xe vận hành ổn định, an toàn mà còn giúp kéo dài tuổi thọ cũng như nâng tầm giá trị của xe khi có nhu cầu bán. Để chủ xe hiểu hơn về những thông tin liên quan đến bảo dưỡng ô tô như:

  • Bảo dưỡng ô tô là gì?
  • Điều gì xảy ra khi xe của bạn không được bảo dưỡng?
  • Các mốc và hạng mục bảo dưỡng quan trọng: Từ thay dầu nhớt, kiểm tra phanh đến bảo dưỡng hệ thống điện, tất cả sẽ được giải thích chi tiết.
  • Tìm hiểu 12 bước trong quy trình bảo dưỡng xe ô tô.
  • Nguyên tắc quan trọng khi bảo dưỡng xe: Nắm rõ nguyên tắc giúp bạn an tâm cho hành trình của mình.

Hãy cùng chuyên gia Nguyễn Thành Dũng của ATOM tìm hiểu chi tiết và giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề bảo dưỡng ô tô.

Bảo dưỡng ô tô là gì?

Xe ô tô cũng như bất kỳ một loại phương tiện hay máy móc nào khác, qua một thời gian sử dụng và vận hành các chi tiết, bộ phận cấu thành đều bị mài mòn và giảm chất lượng khiến chiếc xe không còn hoạt động ổn định và mất đi sự an toàn vốn có. Do đó, bảo dưỡng ô tô chính là biện pháp kiểm tra, bảo dưỡng hoặc thay thế các chi tiết, bộ phận có dấu hiệu hư hỏng hoặc hoạt động kém ổn định đặc biệt là hệ thống bôi trơn, dầu nhớt bôi trơn, hệ thống phanh, lốp… Nhờ đó, chiếc xe của bạn sẽ luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất, đảm bảo an toàn khi vận hành.

Bảo dưỡng xe ô tô định kỳ giúp xe vận hành ổn định và an toàn

Bảo dưỡng xe ô tô định kỳ giúp xe vận hành ổn định và an toàn

Điều gì xảy ra khi chiếc xe của bạn không được bảo dưỡng thường xuyên

Việc bỏ bê bảo dưỡng xe ô tô thường xuyên có thể dẫn đến một loạt hậu quả khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn, hiệu suất vận hành, tuổi thọ của xe, và tất nhiên là cả túi tiền của bạn.

Cụ thể, những rắc rối bạn có thể gặp phải bao gồm:

An toàn bị đe dọa:

  • Hệ thống phanh: Má phanh mòn, dầu phanh cũ, đĩa phanh bị cong vênh… có thể làm giảm hiệu quả phanh, tăng quãng đường phanh, thậm chí gây mất phanh, dẫn đến tai nạn nguy hiểm.
  • Hệ thống lái: Thước lái, rotuyn, bạc đạn bị mòn hoặc hư hỏng khiến xe khó điều khiển, rung lắc, lệch lái, gây mất kiểm soát khi vào cua hoặc di chuyển ở tốc độ cao.
  • Lốp xe: Lốp mòn không đều, non hơi, hoặc quá cũ làm giảm độ bám đường, tăng nguy cơ nổ lốp, đặc biệt là khi di chuyển trên đường trơn trượt hoặc khi trời mưa.
  • Hệ thống đèn: Đèn pha, đèn hậu, đèn xi nhan bị mờ, cháy bóng hoặc hư hỏng làm giảm tầm nhìn, gây khó khăn khi lái xe vào ban đêm hoặc trong điều kiện thiếu sáng.

Hiệu suất vận hành giảm sút:

  • Động cơ: Dầu nhớt cũ, lọc gió bẩn, bugi kém chất lượng… làm giảm hiệu suất động cơ, khiến xe ì ạch, tốn nhiên liệu và tăng lượng khí thải.
  • Hộp số: Dầu hộp số cũ hoặc thiếu dầu làm giảm hiệu suất truyền động, gây khó khăn khi sang số, tiếng ồn và hư hỏng hộp số.
  • Hệ thống điều hòa: Lọc gió điều hòa bẩn, thiếu gas, hoặc các bộ phận khác bị hỏng hóc khiến điều hòa kém lạnh, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuổi thọ xe bị rút ngắn:

  • Các chi tiết máy: Việc thiếu bảo dưỡng định kỳ khiến các chi tiết máy nhanh bị mài mòn, hư hỏng, giảm tuổi thọ của xe.
  • Gỉ sét và ăn mòn: Bỏ qua việc bảo dưỡng, vệ sinh gầm xe, phủ gầm chống rỉ… khiến xe dễ bị gỉ sét và ăn mòn, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam.

Chi phí sửa chữa tăng cao:

  • Hư hỏng nặng: Việc không bảo dưỡng thường xuyên khiến các hư hỏng nhỏ ban đầu trở nên nghiêm trọng hơn, đòi hỏi chi phí sửa chữa lớn.
  • Thay thế nhiều bộ phận: Nhiều bộ phận có thể bị hư hỏng cùng lúc do không được bảo dưỡng định kỳ, dẫn đến chi phí thay thế tăng cao.

Vậy khi nào cần thực hiện bảo dưỡng cho “xế yêu”

Bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất

Với mỗi loại xe khác nhau sẽ có các cấp bảo dưỡng hay các mốc bảo dưỡng ô tô khác nhau tuỳ theo quy định của nhà sản xuất. Bạn có thể xem chi tiết trong sách hướng dẫn của chiếc xe bạn đang sử dụng để biết chính xác thời điểm cần bảo dưỡng. Thông thường các cấp bảo dưỡng xe ô tô được tính dựa theo quãng đường di chuyển như sau: 1.000km, 5.000km, 10.000km, 20.000km, 40.000km 80.000km hoặc theo thời gian là khoảng 6 tháng/lần.

Bảo dưỡng khi phát hiện các dấu hiệu bất thường:

  • Đèn báo trên bảng điều khiển: Khi đèn báo lỗi động cơ, phanh, ABS, hoặc các đèn cảnh báo khác bật sáng, bạn cần mang xe đi kiểm tra ngay.
  • Tiếng ồn lạ: Nếu nghe thấy tiếng ồn lạ từ động cơ, hệ thống treo, phanh, hoặc các bộ phận khác, hãy đưa xe đến gara để kiểm tra.
  • Rung lắc: Xe bị rung lắc khi vận hành có thể là dấu hiệu của lốp mòn không đều, hệ thống treo bị hỏng, hoặc các vấn đề khác.
  • Lệch lái: Xe bị lệch lái khi di chuyển có thể do thước lái bị lệch, góc đặt bánh xe không chuẩn, hoặc lốp non hơi.
  • Khó khởi động: Xe khó khởi động hoặc phải đề máy nhiều lần mới nổ có thể là dấu hiệu của ắc quy yếu hoặc hệ thống khởi động gặp vấn đề.
  • Mùi lạ: Nếu ngửi thấy mùi khét, mùi xăng, hoặc mùi lạ khác từ xe, hãy mang xe đi kiểm tra ngay.
  • Rò rỉ: Nếu phát hiện dầu nhớt, nước làm mát, hoặc các loại dung dịch khác bị rò rỉ, cần mang xe đến gara để kiểm tra và khắc phục.

Bảo dưỡng theo điều kiện vận hành thực tế:

Ngoài lịch bảo dưỡng định kỳ, bạn cần lưu ý đến điều kiện vận hành thực tế của xe. Nếu thường xuyên di chuyển trên đường xấu, chở nặng, gặp khí hậu khắc nghiệt hoặc tắc đường, “xế yêu” sẽ phải hoạt động vất vả hơn. Lúc này, bạn nên chủ động bảo dưỡng xe thường xuyên hơn so với khuyến nghị của nhà sản xuất để đảm bảo xe luôn trong tình trạng tốt nhất.

Bảo dưỡng trước các chuyến đi dài:

Trước khi thực hiện các chuyến đi dài, bạn nên kiểm tra và bảo dưỡng xe để đảm bảo an toàn và tránh gặp sự cố trên đường. Các hạng mục cần kiểm tra bao gồm: lốp xe, hệ thống phanh, dầu nhớt, nước làm mát, đèn, gạt mưa,…

Bảo dưỡng xe ô tô không chỉ đơn thuần là tuân theo lịch trình, mà còn cần sự chủ động quan sát và lắng nghe “xế yêu” của bạn. Bằng cách kết hợp các yếu tố trên, bạn có thể xác định được thời điểm bảo dưỡng phù hợp, đảm bảo xe luôn vận hành trong tình trạng tốt nhất.

Việc ghi nhớ các mốc bảo dưỡng ô tô định kỳ là rất quan trọng

Việc ghi nhớ các mốc bảo dưỡng ô tô định kỳ là rất quan trọng

Bảo dưỡng ô tô gồm những gì?

Trong quá trình bảo dưỡng ô tô sẽ thực hiện các bước kiểm tra tổng thể chiếc xe, từ đó kĩ thuật viên sẽ đánh giá tình trạng các chi tiết, bộ phận của xe. Sau đó, kĩ thuật viên sẽ đề xuất phương án bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế các chi tiết, bộ phận đó với chủ xe. Ứng với mỗi cấp bảo dưỡng sẽ có quy trình kiểm tra và các hạng mục cần bảo dưỡng, thay thế nhất định.

Kĩ thuật viên kiểm tra và đánh giá tình trạng các chi tiết, bộ phận trên xe

Kĩ thuật viên kiểm tra và đánh giá tình trạng các chi tiết, bộ phận trên xe

Chi tiết các hạng mục cần bảo dưỡng theo từng mốc

Việc nắm rõ nội dung bảo dưỡng ô tô gồm những gì sẽ giúp chủ xe có thể tính toán chi phí cũng như chủ động về thời gian đưa xe đi bảo dưỡng.

Bảo dưỡng ô tô lần đầu (1000km)

Việc bảo dưỡng ô tô lần đầu sau 1000km là rất quan trọng để đảm bảo xe hoạt động tốt và bền bỉ. Trong lần bảo dưỡng này, các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra toàn diện các hạng mục quan trọng như động cơ (dầu máy, nước làm mát), hệ thống lái, phanh, lốp, điện, gạt mưa, nước rửa kính và điều hòa. Việc này giúp phát hiện sớm các lỗi kỹ thuật tiềm ẩn và đảm bảo xe vận hành êm ái, an toàn trong thời gian dài. Hãy tham khảo sổ tay hướng dẫn sử dụng và mang xe đến gara uy tín để được bảo dưỡng đúng cách.

Bảo dưỡng cấp 5000km

Bảo dưỡng cấp 1 ô tô trên hầu hết các loại xe sẽ tương ứng với mốc bảo dưỡng ô tô 5000 km. Vì được xếp vào nhóm bảo dưỡng cấp nhỏ, ở giai đoạn xe còn rất mới nên nhiều bác tài thường bỏ qua. Tuy nhiên bảo dưỡng cấp 1 đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nó sẽ giúp phát hiện các lỗi trên xe có thể ảnh hưởng đến sự an toàn từ đó khắc phục sớm được vấn đề.

Hạng mục thay thế, bảo dưỡng ô tô cấp 5.000 km

Hạng mục thay thế, bảo dưỡng ô tô cấp 5000km

Ở cấp bảo dưỡng này, ô tô của bạn sẽ được thay dầu máy, vệ sinh lọc lọc gió điều hòa và gió động cơ, vệ sinh thổi bụi khoang máy. Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu nhân viên thực hiện kiểm tra các chi tiết khác như: dầu thắng, dầu hộp số, bộ phun nước rửa kính,…

Lưu ý: Việc thay dầu trong 5000 km đầu tiên là không mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến khích bạn nên thay để loại bỏ những vụn kim loại lẫn trong dầu ở giai đoạn đầu sử dụng xe.

Bảo dưỡng ô tô cấp 10.000 km

Hạng mục thay thế, bảo dưỡng ô tô định kỳ cấp 1 vạn (10.000km)

Hạng mục thay thế, bảo dưỡng ô tô định kỳ cấp 1 vạn (10.000km)

Việc thay dầu nhớt ô tô ở cấp bảo dưỡng 10.000 km này là điều cần thiết để bảo đảm hoạt động trơn tru cho chiếc xe của bạn. Các hạng mục bảo dưỡng cấp 10.000 km sẽ bao gồm cả các hạng mục tương tự cấp 5.000 km. Ngoài ra, bạn cũng nên tiến hành thay lọc dầu để chắc chắn rằng các cặn dầu và chất bẩn không bít tắc ảnh hưởng đến hoạt động của xe. Bên cạnh đó, bạn cũng nên yêu cầu đảo lốp xe trong lần bảo dưỡng này.

Bảo dưỡng ô tô cấp 20.000 km

Ngoài những công việc của hai lần trước, trong lần bảo dưỡng này, xe của bạn cần được thay lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa. Ngoài ra, sau môt quãng đường dài vận hành, xe của bạn cần được tiến hành đảo lốp để hạn chế hiện tượng lốp mòn không đều và tăng tuổi thọ lốp.

Hạng mục thay thế, bảo dưỡng ô tô định kỳ cấp 2 vạn (20.000km)

Hạng mục thay thế, bảo dưỡng ô tô định kỳ cấp 2 vạn (20.000km)

Khi bảo dưỡng ở cấp 20.000km, xe của bạn cần được tiến hành bảo dưỡng hệ thống phanh. Nhằm đảm bảo phanh xe luôn vận hành chính xác, kịp thời phát hiện các hư hỏng của má phanh, đĩa phanh…Ngoài ra chủ xe có thể thực hiện thêm các dịch vụ như: kiểm tra góc đặt bánh xe, vệ sinh hệ thống bôi trơn, vệ sinh dàn lạnh điều hoà, vệ sinh họng bướm ga, van không tải…Sau khi được các kĩ thuật viên kiểm tra và đánh giá tình trạng.

Bảo dưỡng ô tô cấp 40.000 km

Hạng mục thay thế và bảo dưỡng ô tô định lỳ cấp 4 vạn (40.000km)

Hạng mục thay thế và bảo dưỡng ô tô định kỳ cấp 40.000km

Quãng đường 40.000 km là mốc thời gian quan trọng cho việc bảo dưỡng liên quan đến động cơ của xe. Việc bảo dưỡng sẽ giúp động cơ hoạt động trơn tru, bảo vệ luồng khí, tiết kiệm nhiên liệu và giảm tiếng ồn trong xe.

Ở cấp độ bảo dưỡng 40.000 km chiếc xe của bạn cần được thay các nội dung sau: 

  • Dầu hộp số – Dầu vi sai: Giúp bôi trơn hộp số, bộ vi sai được, đảm bảo các chi tiết này hoạt động nhẹ nhàng và hệ thống truyền của xe luôn hoạt động trong trạng thái tốt nhất.
  • Dầu trợ lực: Đảm bảo hoạt động trơn tru của tay lái, bạn cần thay thế dầu trợ lực trong lần bảo dưỡng cấp 40.000 km và tiến hành định kỳ cho các lần bảo dưỡng tiếp theo.
  • Dầu phanh – Dầu ly hợp: Dầu phanh và dầu ly hợp sau mỗi 40.000 km có thể bị ẩm và ăn mòn phanh. Điều này có thể gây nguy hiểm trong quá trình điều khiển ô tô di chuyển. Do vậy, các nhà sản xuất khuyến cáo người dùng nên thay thế dầu phanh – dầu ly hợp sau mỗi 40.000 km.
  • Lọc nhiên liệu: Việc thay thế lọc nhiên liệu đảm bảo cho các cặn bẩn nhiên liệu không gây ra tắc nghẽn ảnh hưởng quá trình cung cấp nhiên liệu cho động cơ xe hoạt động. Thời gian thay thế định kỳ là 40.000 km/lần.
  • Dây cua roa: Đây là chi tiết liên quan đến hoạt động truyền dẫn của động cơ. Để tránh dây bị chai, nứt và giảm ma sát khiến động cơ làm việc không ổn định, bạn cần thay dây cua roa trong đợt bảo dưỡng này.
Bảo dưỡng ô tô cấp 40.000 km tại ATOM Premium Auto Services

Bảo dưỡng ô tô cấp 40.000 km tại ATOM Premium Auto Services

Việc thay thế này giúp các chi tiết trong xe hoạt động êm ái và giảm mài mòn trong quá trình xe hoạt động. Bên cạnh đó khi bảo dưỡng cấp 40.000km cho xe vẫn cần làm đầy đủ các hạng mục như bảo dưỡng cấp 20.000km. Ngoài ra, “xế yêu” cũng cần được thay lọc gió động cơ, và thay nước làm mát, vệ sinh kim phun và buồng đốt.

Nội dung bảo dưỡng ô tô cấp 80.000 km

Hạng mục thay thế và bảo dưỡng ô tô định lỳ cấp 8 vạn (80.000km)

Hạng mục thay thế và bảo dưỡng ô tô định kỳ cấp 8 vạn (80.000km)

Ở cấp bảo dưỡng 80.000 km cần thực hiện các hạng mục tương tự với cấp 40.000 km, ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc cần kiểm tra và thay thế nhiều chi tiết cần thiết như: kiểm tra góc đặt bánh xe hoặc cân chỉnh góc đặt bánh xe nếu cần thiết, cân chỉnh thước lái, vệ sinh hệ thống kim phun buồng đốt, vệ sinh hệ thống bôi trơn; vệ sinh hệ thống dàn lạnh điều hòa; vệ sinh cọng hút bướm ga, van không tải; bảo dưỡng máy đề, bugi, thay má phanh, thay dầu phanh

Bảng phụ tùng thay thế tại các mốc km, thời gian được khuyến nghị

Phụ tùng Mốc km Thời gian Lưu ý
Dầu động cơ 5.000 – 10.000 km 6 tháng – 1 năm
Tùy thuộc vào loại dầu và khuyến cáo của nhà sản xuất
Lọc dầu Cùng lúc với thay dầu động cơ
Lọc gió động cơ 10.000 – 20.000 km 1 năm
Lọc gió điều hòa 20.000 – 30.000 km 1-2 năm
Bugi 20.000 – 40.000 km 2 năm
Dây curoa cam 60.000 – 100.000 km 4-5 năm
Dầu hộp số 40.000 – 80.000 km 2-4 năm
Tùy thuộc vào loại hộp số (số sàn, số tự động)
Nước làm mát 40.000 – 60.000 km 2-3 năm
Dầu phanh 40.000 – 50.000 km 2 năm
Má phanh 30.000 – 70.000 km
Tùy thuộc vào điều kiện sử dụng và loại má phanh
Đĩa phanh Khi bị mòn, cong vênh hoặc hư hỏng
Lốp xe 40.000 – 50.000 km 5-6 năm
Hoặc khi gai lốp mòn đến vạch chỉ thị
Ắc quy 3-5 năm Hoặc khi có dấu hiệu hư hỏng
Gạt mưa 6-12 tháng
Hoặc khi lưỡi gạt bị rách, cứng hoặc gạt không sạch

Lưu ý:

  • Bảng trên chỉ mang tính chất tham khảo chung.
  • Lịch trình thay thế phụ tùng cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào khuyến cáo của nhà sản xuất, điều kiện vận hành và loại xe.
  • Luôn tham khảo sổ tay hướng dẫn sử dụng xe để biết thông tin chính xác và đầy đủ nhất.
  • Nên kiểm tra và bảo dưỡng xe định kỳ tại các gara uy tín để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng, đảm bảo an toàn và kéo dài tuổi thọ cho xe.

Quy trình bảo dưỡng xe ô tô

Quy trình sửa chữa bảo dưỡng ô tô sẽ giúp các bác tài đánh giá được trung tâm bảo dưỡng đó có uy tín – chất lượng và chuyên nghiệp hay không. Một quy trình bảo dưỡng ô tô tiêu chuẩn thường trải qua 12 bước sau:

Quy trình bảo dưỡng xe ô tô tại ATOM Premium Auto Services

Quy trình sửa chữa bảo dưỡng ô tô tại ATOM Premium Auto Services

  • Bước 1: Tiếp nhận xe, xin thông tin của khách hàng và lập hồ sơ.
  • Bước 2: Kiểm tra, đánh giá, tiếp nhận tình trạng xe khi khách mang tới và yêu cầu của khách hàng.
  • Bước 3: Tư vấn dịch vụ và lập bảng báo giá gửi khách hàng.
  • Bước 4: Lập lệnh sửa chữa và chuyển lệnh xuống kỹ thuật viên.
  • Bước 5: Kỹ thuật viên tiến hành bảo dưỡng xe, báo lại và lấy ý kiến từ khách hàng nếu có phát sinh khác.
  • Bước 6: Kiểm tra chất lượng dịch vụ và chạy thử.
  • Bước 7: Vệ sinh sàn xe và rửa vỏ xe (áp dụng cho cấp bảo dưỡng 20 vạn trở lên).
  • Bước 8: Chuyên viên dịch vụ kiểm tra xe lần cuối trước khi giao xe cho khách hàng.
  • Bước 9: Khách hàng tiến hành thanh toán
  • Bước 10: Giao xe và tạm biệt khách
  • Bước 11: Chăm sóc khách hàng sau dịch vụ: hỏi thăm về tình trạng xe, xin ý kiến đánh giá từ khách hàng…
  • Bước 12: Hậu mãi: Gọi điện chăm sóc khách hàng và gửi các thông tin khuyến mãi nếu có.
Kỹ thuật viên kiểm tra lần cuối trước khi giao xe cho khách

Kỹ thuật viên kiểm tra lần cuối trước khi giao xe cho khách

3 nguyên tắc quan trọng khi bảo dưỡng xe ô tô định kỳ chủ xe nên nhớ

Nguyên tắc số 1: Ghi nhớ lịch bảo dưỡng

Bảo dưỡng ô tô định kỳ để kiểm tra hệ thống khung gầm và tình trạng các bộ phận tại ATOM Premium Auto Services

Bảo dưỡng ô tô định kỳ để kiểm tra hệ thống khung gầm và tình trạng các bộ phận tại ATOM Premium Auto Services

Việc bảo dưỡng ô tô cần tiến hành theo thời gian định kỳ để đảm bảo các chi tiết bộ phận của xe hoạt động tốt nhất. Chủ xe nên có một cuốn sổ bảo dưỡng để theo dõi chính xác, tránh để quá thời gian hoặc tốn kém chi phí khi lịch bảo dưỡng quá dày đặc.

Nguyên tắc số 2: Kiểm tra xe thường xuyên

Ngoài việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ, trước khi đưa xe vào hoạt động, chủ xe nên kiểm tra và chú ý quan sát một số bộ phận cơ bản của xe để tránh rủi ro. Các hệ thống mà chủ xe có thể kiểm tra bao gồm: 

  • Hệ thống phanh: Kiểm tra độ ổn định khi phanh, mức độ mòn của má phanh, dầu ống phanh và phanh thử xem có phát tiếng kêu bất thường không. Nếu phát hiện trường hợp bất thường bạn cần tới trung tâm uy tín để kiểm tra và khắc phục sơm nhất để đảm bảo an toàn khi lái xe.
  • Hệ thống lái: Điều chỉnh bánh lái nhẹ nhàng và xem tay lái có bị lệch hoặc bị nặng tay lái hay không.
  • Hệ thống treo: Kiểm tra mức độ chắc chắn và khả năng giảm chấn, lò xo, cao su…
  • Hệ thống chiếu sáng: Bật tắt và quan sát hoạt động của hệ thống các đèn chiếu sáng của xe bằng mắt thường.
  • Đèn cảnh báo trên đồng hồ taplo: Đảm bảo các đèn phải sáng hết sau 60s kể từ khi bật. Sau khi máy nổ, các đèn này phải tắt hết. Nếu đèn còn sáng, chủ xe cần kiểm tra lại bộ phận đó.
  • Ắc quy: Bình ắc quy cần được kiểm tra chuyên nghiệp mỗi tháng một lần. Ngoài ra, chủ xe cần đảm bảo vệ sinh, mức dung dịch… của bình ắc quy mỗi lần sử dụng. 
  • Lốp: Lốp có thể kiểm tra bằng mắt thường về độ mòn và độ căng của lốp.
  • Cần gạt mưa, nước rửa kính: Cần gạt mưa và nước rửa kính phải đầy đủ và hoạt động bình thường. Cần kiểm tra bộ phận này thường xuyên trong điều kiện thời tiết không ổn định.
  • Dung dịch làm mát động cơ: Đảm bảo dung dịch làm mát luôn đầy đủ và thay thế, bổ sung kịp thời.

Nguyên tắc số 3: Lựa chọn trung tâm bảo dưỡng uy tín, chất lượng

Nguyên tắc cuối cùng trong quá trình bảo dưỡng ô tô mà chủ xe cần quan tâm là phải lựa chọn được trung tâm bảo dưỡng ô tô uy tín chất lượng. Tại ATOM Premium Auto Services, quy trình bảo dưỡng được kiểm soát nghiêm ngặt sẽ giúp bạn luôn hài lòng và an tâm với mọi chuyến đi.

Bạn nên bảo dưỡng xe ô tô tại các trung tâm uy tín để đảm bảo an toàn và an tâm trên mỗi hành trình

Bạn nên bảo dưỡng xe ô tô tại các trung tâm uy tín để đảm bảo an toàn và an tâm trên mỗi hành trình

Một số câu hỏi thường gặp & giải đáp cùng chuyên gia

Câu hỏi: Làm thế nào để biết lốp xe cần thay mới?

Trả lời: Kiểm tra độ mòn của gai lốp, nếu độ sâu gai lốp dưới 1.6mm thì cần thay lốp mới. Ngoài ra, nếu lốp bị nứt, phồng hoặc rách cũng cần thay thế ngay.

Câu hỏi: Bảo dưỡng hệ thống phanh ô tô gồm những gì?

Trả lời: Kiểm tra độ mòn của má phanh, đĩa phanh, dầu phanh và các đường ống dẫn dầu phanh. Nếu cần, thay thế má phanh, đĩa phanh hoặc dầu phanh.

Câu hỏi: Tại sao cần bảo dưỡng điều hòa ô tô định kỳ?

Trả lời: Bảo dưỡng điều hòa giúp loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn, đảm bảo không khí trong lành, tăng hiệu suất làm mát và tiết kiệm nhiên liệu.

Câu hỏi: Tôi có thể tự bảo dưỡng xe tại nhà được không?

Trả lời: Bạn có thể tự thực hiện một số công việc bảo dưỡng đơn giản như kiểm tra và bổ sung nước làm mát, nước rửa kính, kiểm tra áp suất lốp,… Tuy nhiên, đối với các hạng mục phức tạp hơn, nên mang xe đến gara uy tín.

Câu hỏi: Bảo dưỡng ô tô ở đâu uy tín?

Trả lời: Bạn có thể lựa chọn giữa đại lý chính hãng hoặc gara uy tín bên ngoài. Đại lý thường có chi phí cao hơn nhưng đảm bảo chất lượng và phụ tùng chính hãng. Gara bên ngoài có thể có chi phí thấp hơn nhưng cần tìm hiểu kỹ về uy tín và chất lượng dịch vụ.

Ngoài những nguyên tắc cơ bản trong quá trình bảo dưỡng xe ô tô mà chúng tôi đã đề cập, chủ xe cũng cần lưu ý đến dòng xe mình đang sử dụng và những yêu cầu riêng của xe. Nếu cần tư vấn cụ thể, bạn chỉ cần để lại lời nhắn trên website của chúng tôi hoặc liên hệ Hotline/Zalo: 0898.835.835.

ATOM Premium Auto Services – AN TÂM TRỌN HÀNH TRÌNH!

All in one

Mừng sinh nhật ATOM 7 tuổi